Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Những đổi thay trên quê hương Bác Tôn

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình nông dân cần cù, trọng đạo đức, quý nhân nghĩa tại vùng sông nước An Giang - nơi có nhiều huyền thoại và truyền thống cách mạng với hào khí Bảy Núi, nơi tụ nghĩa của nhiều chí sĩ yêu nước. Thời gian Bác Tôn sống ở An Giang không nhiều, nhưng trong lòng Bác tình yêu và nỗi nhớ xứ sở tha thiết khôn nguôi.
Mong quê hương giàu mạnh
ADVERTISING
Người An Giang vẫn còn nhớ như in lần về thăm quê sau ngày miền Nam được giải phóng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bác Tôn xa nhà mấy mươi năm nhưng bác vẫn giữ nét chất phác của người miệt quê, ân cần, giản dị thăm hỏi mọi người. Bác nhớ rất dai, rất kỹ từ chiếc cầu sắt thường ngày qua lại đi học, nhớ con rạch Rít chảy qua nhà, nhớ cây cầu nhỏ cạnh bờ ao cùng nhiều vật dụng khác nữa. Những thứ đã gắn bó với Bác quãng thời thơ ấu, đã trở thành cội rễ bám sâu trong lòng Bác.
Bác đi thăm thị xã Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên), gặp gỡ nhân dân thị xã và một số nơi trong tỉnh. Bác rất vui mừng trước những thay đổi của quê hương. Bác nói: Được Đảng và Nhà nước cho phép về thăm quê nhà. Chưa bao giờ Bác thấy sung sướng như lúc này, khi cả nước được độc lập, tự do, Bắc - Nam thống nhất. Bác động viên nhân dân An Giang đoàn kết, phấn đấu trở thành một tỉnh giàu mạnh, nhân dân ấm no, ai cũng được học hành như Bác Hồ mong muốn trong di chúc lịch sử của Người.
Những lời căn dặn và ước nguyện của Bác Tôn đã và đang được các thế hệ An Giang phấn đấu không ngừng, quyết tâm vượt qua khó khăn vươn lên, xây dựng và phát triển đời sống kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Quê hương chuyển mình
Nhắc đến An Giang, nhiều người hay nhớ đến kỳ tích “xé rào” cởi trói đồng đất, cởi trói mô hình hợp tác xã đầu tiên cả nước để nông dân được sống chết với phần đất máu thịt của mình.
Là một trong những “chiến binh” trong nhóm An Giang “xé rào” chính sách của Trung ương để “giải tán” tập đoàn, trả lại đất cho người có năng lực sản xuất nên ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - nhớ như in. “Đây là việc làm trái chủ trương lớn của Trung ương nên khó trăm bề. Máy móc, ruộng đất của dân đều được đưa vô tập đoàn, hợp tác xã. Văn bản thì suông tai, nhưng trên thực tế thì “cha chung không ai khóc” máy móc vứt lăn lóc, hư hỏng, ruộng thì hoang phế, đầy cỏ… dân than thở, thiếu thốn nghe đau lắm... Lúc đó là GĐ Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang, có điều kiện “đi, thấy và suy nghĩ”, đã giúp ông Nhị nhìn thấu căn nguyên vấn đề: “Chính bất cập về thực tiễn của chính sách đã đẩy nông dân - chủ thể của chính sách nông nghiệp - ra bên lề “cái áo” tập thể.
Để giải quyết vấn nạn này, không gì khác là trả lại đất cho người có tay nghề, gắn bó tâm huyết…”, ông Nhị nhớ lại. Từ đó, ông tham mưu và cùng lãnh đạo tỉnh An Giang hiệp sức, đồng tâm thực hiện cuộc “cởi trói” đồng đất… mà sau này báo chí thường gọi là “xé rào”.
“Âm thầm làm, rồi cẩn trọng né tránh từ ngữ để tránh “phạm húy”, ông Nhị nhớ lại: “Thực chất là “giải tán” tập đoàn, nhưng phải mềm hóa thành “củng cố”, trả đất cho chủ cũ thì gọi là hỗ trợ thành quả...”. Cụ thể là khi định đúng giá mà tập đoàn nào không đủ tiền trả thì giao máy móc lại cho chủ cũ quản lý. Riêng những người không đủ tài lực để tiếp tục làm lúa trên phần đất được tập đoàn giao thì chủ cũ được phép hỗ trợ “thành quả” để nhận lại đất.
Đây được xem như cuộc “giải phóng” những nạn nhân của chủ trương “nông dân hóa” thoát khỏi ruộng đồng để phát huy hiệu quả với những ngành nghề “thuận tay”. Hơn thế nữa, nó còn trả đất đúng địa chỉ cho người có năng lực phát huy hiệu quả.
Thành công này đã tạo đà cho An Giang mạnh dạn vượt qua “lời nguyền” về vùng “bất khả xâm phạm”: Tứ giác Long Xuyên: “Đánh thức” đất phèn trở thành cánh đồng lúa cao sản. Ông Nguyễn Văn Hơn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, “kiến trúc sư chính” của cuộc chiến đánh “giặc phèn” này - bật mí chìa khóa thành công: “Ai có nhu cầu, tỉnh sẽ cấp cho không 3ha, liền theo đó là đưa thủy lợi vào hỗ trợ”.
Chính luồng gió mới này đã tạo cơ hội cho những người dân chân đất có được đất và kỹ năng để tạo nên “kỳ tích” thời hiện đại. Hơn thế nữa là “kéo” nhiều địa phương láng giềng là Kiên Giang, Cần Thơ “vào cuộc” để hôm nay cánh đồng này mang về 5 triệu tấn/năm.
Nông dân Nguyễn Lợi Đức (huyện Tri Tôn, An Giang) giới thiệu mô hình nuôi bò thịt theo hướng khép kín cho GS-TS Võ Tòng Xuân và GS-TS Tsuji - Đại học Saga (Nhật Bản). Ảnh: LỤC TÙNG
Nông dân Nguyễn Lợi Đức (huyện Tri Tôn, An Giang) giới thiệu mô hình nuôi bò thịt theo hướng khép kín cho GS-TS Võ Tòng Xuân và GS-TS Tsuji - Đại học Saga (Nhật Bản). Ảnh: LỤC TÙNG
Khai phóng giá trị nông nghiệp
Những quyết định “xé rào” táo bạo liên tiếp ra đời như bệ phóng đưa An Giang nhanh chóng thăng hoa: Từ địa phương thiếu đói, phải nhận viện trợ lương thực vươn lên thành vựa lúa cả nước, góp công lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu gạo từ năm 1989. Đời sống của nông dân cũng từng bước được cải thiện.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, thành tựu này nhen nhóm từ chủ chương “xé rào” công tác khuyến nông do ông Nguyễn Minh Nhị khai sáng: “Để tạo điều kiện cho nông dân vốn quen với “lúa mùa 1 vụ” thạo với nghề trồng lúa cao sản, An Giang đã đề ra mô hình đưa kỹ sư nông nghiệp về xã làm công tác định hướng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân (mà sau này cả nước làm theo với danh xưng hoa mỹ là khuyến nông). Tuy nhiên, khi sản xuất có hiệu quả thì phát sinh vướng mắc mới”, ông Nhị nhớ lại: “Trồng lúa cao sản cần nhiều vốn, nhưng lúc đó Nhà nước chỉ chấp nhận cho các “Hợp đồng B”, tức nằm ngoài tầm tay nông dân. Thế là An Giang lại xé rào”.
Với tên gọi “Cho vay nông nghiệp”, An Giang thí điểm ngân hàng cho nông dân vay vốn trực tiếp trồng lúa tại hai xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành), Vĩnh Phú (Thoại Sơn). Nghe An Giang làm chuyện “tày trời”, Trung ương cử Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm đích thân vào ghi nhận. Đi thực tế xong, ông Kiêm chẳng những không “rầy, la” mà còn khen vì thấy hiệu quả…. Sau chuyến đi này, ông Kiêm đã đề xuất và được Trung ương đồng ý cho phép nhân rộng mô hình thành chương trình vay sản xuất nông nghiệp ngày nay.
An Giang quê Bác còn ghi đậm dấu ấn tiên phong của mình trong công cuộc “khai phóng giá trị con cá ba sa, cá tra” khi là tỉnh đầu tiên trên phạm vi thế giới mạnh dạn đầu tư và thành công với việc cho cá tra, ba sa sinh sản nhân tạo và tổ chức nuôi trong bè tạo ra vùng nguyên liệu chủ động cho những chuyến hàng xuất khẩu độc quyền với tốc độ cao. Và An Giang tiếp tục được tôn vinh là vựa cá của cả nước... Đặc biệt, khi làm Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nhị còn có sáng kiến làm thay đổi hẳn cái nhìn ác cảm về lũ khi cho ra đời Đề án 31. Theo đó, hỗ trợ người dân vùng ngập lũ phương tiện, kỹ thuật để sản xuất trong mùa nước nổi, phát triển các mô hình nuôi tôm mùa lũ, nuôi cá lồng bè nhỏ, nuôi lươn trong vèo, bồn nylon,… Qua đó vừa tận dụng lợi thế mùa lũ, vừa tăng thu nhập người dân, góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn; biến mùa nước nổi thành mùa sản xuất bình thường, tạo ra sự an tâm cho toàn vùng.
Bước sang thời kinh tế thị trường, An Giang - quê hương Bác Tôn - vẫn linh động, sáng tạo nhưng lại đi theo hướng mới. “Trong thế giới phẳng, để đi đến thành công cần phải đi chung đội hình của sự liên kết. Vì vậy khi ổn định công tác nhân sự sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2015-2020), An Giang đã mạnh dạn tổ chức hội thảo quy tụ trên 200 nhà khoa học trong nước và quốc tế để tạo ngân hàng dữ liệu trước khi đưa ra chiến lược phát triển khôn ngoan nhất, thiết thực nhất theo định hướng đi vào chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm” - ThS Trần Anh Thư - GĐ Sở NNPTNT An Giang - chia sẻ. Cụ thể, An Giang xác định phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết thị trường, liên kết sản xuất cả bên trong lẫn bên ngoài.
“An Giang đang chuẩn bị Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 với mục tiêu thu hút đầu tư để khai thác những dự án lớn, trọng điểm, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội quê hương Bác Tôn phát triển bền vững...” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.
LỤC TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét